Các quan chức tài chính nhóm G7 vừa đồng ý về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu đối với các công ty quốc tế lớn ở mức “ít nhất 15%”.
Áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu
Lý do chính khiến nhóm G7 (gồm Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản, Pháp, Italy và Canada) đồng ý với mức cải cách thuế lịch sử này là để giải quyết việc lách thuế của các công ty đa quốc gia và công nghệ trực tuyến. Đây cũng là lần đầu tiên, mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu được thống nhất áp dụng.
Mặc dù điều này được các nhà cải cách thuế nhiệt liệt hoan nghênh và được các bộ trưởng tài chính G7 đánh dấu là thời điểm có thể “thay đổi cả thế giới”, song các cuộc đàm phán có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, trước khi các quy định này đi vào thực thi.
Trong khi đã có thỏa thuận chung giữa các cường quốc kinh tế phương Tây, thì một số quốc gia hàng đầu khác, như nhóm BRICS (gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Nga) sẽ tham gia các cuộc đàm phán tiếp theo vào tháng tới. Hiện còn những điểm cần thống nhất giữa các quốc gia đàm phán, thậm chí cả trong nhóm G7.
Cải cách thuế mới nhằm giải quyết 2 mục tiêu (được gọi là 2 trụ cột của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế – OECD) để đối phó với các công ty (đặc biệt là các công ty công nghệ) hoạt động ở nhiều quốc gia.
Thứ nhất, cho phép các quốc gia đánh thuế một phần lợi nhuận do các công ty lớn thu được ở quốc gia đó dựa trên cơ sở doanh thu phát sinh, thay vì lấy nơi đặt trụ sở của công ty để áp mức thuế.
Thứ hai, đặt ra một mức thuế suất thuế doanh nghiệp tối thiểu trên thu nhập toàn cầu.
Với trụ cột thứ nhất, các quốc gia nơi các công ty đa quốc gia tạo ra doanh thu sẽ được trao quyền đánh thuế mới đối với ít nhất 20% của phần lợi nhuận vượt trên biên độ 10% đối với các công ty lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất (các tỷ lệ phân bổ lại 20% và 10% này vẫn cần được thống nhất).
Trong khi đó, trụ cột thứ hai cho phép các quốc gia áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15%.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen, sáng kiến thuế mới này sẽ tác động đến 8.000 công ty đa quốc gia trên toàn thế giới.
Điều quan trọng cần lưu ý là, mặc dù thỏa thuận đã được các nước G7 đồng ý về mặt nguyên tắc, nhưng rất nhiều chi tiết còn cần được soạn thảo và đạt được sự đồng thuận ở các vòng tiếp theo, cụ thể là Diễn đàn Hợp tác chung thực hiện các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận G20 và G20/OECD sẽ họp vào tháng 7/2021 và cuối cùng, cần được Quốc hội các nước liên quan phê chuẩn.
Tác động đến Việt Nam
Sáng kiến đánh thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ tác động đến Việt Nam theo 3 cách.
Thứ nhất, hiệp định thuế mới này có thể làm giảm khả năng thu hút các công ty nước ngoài của Việt Nam bằng các chính sách ưu đãi thuế.
Mặc dù thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam là 20%, cao hơn mức tối thiểu đề xuất, nhưng Việt Nam đang ưu đãi thuế cho nhiều đối tượng/loại dự án, như miễn thuế 4 năm, giảm 50% trong 9 năm, thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm cho các công ty công nghệ cao đủ điều kiện. Nếu mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% được áp dụng, thì những lợi ích mang lại từ chính sách ưu đãi thuế mà các công ty này được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn nữa.
Tuy nhiên, thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu có dẫn đến sự thay đổi nào trong chính sách ưu đãi thuế ở Việt Nam hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác và khó có thể xảy ra trong thời gian ngắn tới đây, do còn một số lượng đáng kể đối tượng được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi sẽ không nằm trong phạm vi của quy định thuế toàn cầu mới. Trong mọi trường hợp, các tổ chức/dự án đang triển khai và đã được hưởng ưu đãi sẽ được bảo đảm theo quy định của Luật Đầu tư Việt Nam.
Thứ hai, đối với việc phân bổ thuế cho các quốc gia thị trường, xét đến Việt Nam là một nước có thị trường nội địa tương đối lớn, sáng kiến thuế này có thể có lợi cho Việt Nam, vì nó sẽ cho phép Việt Nam được quyền đánh thuế, ở một chừng mực nào đó, đối với các công ty công nghệ và thương mại điện tử có doanh thu lớn tại Việt Nam.
Cần phải nhắc lại rằng, đánh thuế các công ty thương mại điện tử và công nghệ, ví dụ như Netflix, Facebook, Google và các nền tảng thị trường khác, là mục tiêu của Chính phủ Việt Nam từ lâu. Ước tính, Việt Nam đang thất thu lớn tiền thuế từ các giao dịch thương mại điện tử.
Mặc dù Việt Nam gần đây đã thông qua Nghị định số 126/2020/ND-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế mới nhằm quản lý việc thu thuế từ các doanh nghiệp thương mại điện tử (thông qua hình thức tự đăng ký hoặc yêu cầu ngân hàng khấu trừ thuế), nhưng hiện chưa thể khẳng định nghị định mới sẽ thành công như thế nào trong việc tăng nguồn thu thuế từ các công ty này.
Trong khi đó, quy định về thuế toàn cầu mới có thể cũng sẽ khó mang lại kết quả tốt hơn cho Việt Nam, vì cơ chế chia sẻ thuế cho các quốc gia thị trường cũng sẽ đòi hỏi một hệ thống quản lý thuế có năng lực và các nỗ lực phối hợp ở tầm quốc tế. Đây cũng là một trong những mối lo ngại của Diễn đàn Hợp tác chung thực hiện các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận của OECD khi thảo luận về kế hoạch chi tiết cho trụ cột thứ nhất này, bởi đây sẽ là một thách thức lớn đối với các nước đang phát triển với năng lực quản lý thuế thường còn yếu.
Thứ ba, mức thuế doanh nghiệp tối thiểu mới có thể ảnh hưởng đến việc cơ cấu các giao dịch trong đơn vị thành viên của các công ty đa quốc gia, vì các công ty này thường sử dụng cơ chế giá nội bộ để quản lý các nghĩa vụ thuế trên toàn cầu. Giao dịch trong nội bộ của các công ty đa quốc gia là một lĩnh vực mà các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiến hành rà soát chặt chẽ để tránh việc lạm dụng thuế.
Vẫn còn sớm để xác định một cách tổng quát tác động của sáng kiến thuế tối thiểu toàn cầu đối với Việt Nam, nhưng chắc chắn, chính sách này sẽ có ảnh hưởng đến Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào.
(Nguồn: baodautu.vn)