Sáng 28/6, trường Đại học Đại Nam (DNU) long trong tổ chức Hội thảo Quốc gia xu hướng đào tạo và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc.
Hội thảo đã kết nối nhiều chuyên gia nghiên cứu uy tín trong nước và Hàn Quốc, mang đến 40 bài viết khoa học và những chủ đề thảo luận sôi nổi, thiết thực. Đây là cơ sở tham khảo quan trọng để DNU và các cơ sở đào tạo cập nhật, áp dụng có hiệu quả các xu hướng đào tạo Ngôn ngữ Hàn hiện đại, tăng cường cơ hội việc làm cho sinh viên.
Tham dự chương trình, về phía trường Đại học Đại Nam – đơn vị chủ trì tổ chức Hội thảo có PGS, TS. Đỗ Anh Tài – Phó Hiệu trưởng; lãnh đạo, cán bộ, giảng viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc; đại diện lãnh đạo các Khoa, Phòng, Ban, Viện, Trung tâm trong toàn trường.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, có sự hiện diện của ông Đinh Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Thanh tra – Bộ Ngoại Giao
Về phía các Cơ quan Hàn Quốc tại Việt Nam, Hội thảo có sự tham dự của ông Choi Jae Jin – Trưởng đại diện văn phòng Hà Nội Korea Foundation.
Về phía Nhà tài trợ, có sự tham dự của ông STEVE BÙI – Chủ tịch Tập đoàn Delta E&C, bà Đoàn Thái Thủy – Chủ tịch Vinako edu, bà Vũ Ngọc Mai – Tổng Giám đốc Công ty K-Focus International JSC, bà Nguyễn Phương Thúy – Giám đốc TT tiếng Hàn Hi Korean…
Bên cạnh đó là sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu là cán bộ, giảng viên đến từ các trường đại học, viện nghiên của Việt Nam, Hàn Quốc.
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS, TS. Đỗ Anh Tài khẳng định Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật, kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy của các cơ sở đào tạo Ngôn ngữ Hàn Quốc trong và ngoài nước; cơ hội để các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu thảo luận sâu, cập nhật, ứng dụng các xu hướng đào tạo tiếng Hàn hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc đang gia tăng mạnh mẽ tại Việt Nam; đồng thời mở rộng hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa các đơn vị đào tạo tiếng Hàn tại Việt Nam và Hàn Quốc.
Ông Đinh Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Bộ Ngoại Giao khẳng định: “Chủ đề của Hội thảo có tính thời sự và ứng dụng cao. Đây là cơ hội đặc biệt để các cơ sở đào tạo gặp gỡ, trao đổi và thảo luận về những vấn đề quan trọng trong việc nghiên cứu và giảng dạy tiếng Hàn, tìm kiếm các cơ hội thực tập, việc làm tốt cho sinh viên sau khi ra trường…”
Mở đầu phiên toàn thể, nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học Công nghệ TP. HCM phân tích “các yếu tố tác động đến sự hứng thú trong học tập của sinh ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc tại trường Đại học Công nghệ TP. HCM”. Từ đó, đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, tạo động lực học tập hiệu quả cho sinh viên.
Nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học CMC mang đến Hội thảo góc nhìn về “mô hình chuyên môn hóa người dạy theo chuyên đề ở học phần Hàn Quốc đại cương”.
Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc trường Đại học Đại Nam nghiên cứu “hiện tượng học lớp học thực hành văn hóa dành cho người nước ngoài học tiếng Hàn”.
Trường Đại học Phenikka góp mặt tại Hội thảo bằng công trình nghiên cứu “phương án đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên ngành tiếng Hàn nhằm đắp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng”.
Tại phiên thảo luận, các chuyên gia đã thảo luận sâu, đánh giá ưu – nhược điểm của các xu hướng đào tạo và các phương án phát triển cơ hội việc làm của sinh viên ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc trong thời đại 4.0.
Hội thảo Quốc gia xu hướng đào tạo và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc 2024 của trường Đại học Đại Nam thực sự là cầu nối gắn kết các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, sinh viên tham dự. Hội thảo đã để lại dấu ấn thông qua những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích, góc nhìn chuyên sâu từ các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu & giảng dạy tiếng Hàn. Đây sẽ là “chìa khóa” quan trọng để các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu,… nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc trong thời gian tới.